Bàn về nghề môi giới bất động sản xưa và ngày nay P2

Và một cam kết nữa để có thể theo đuổi được nghề là Đạo đức nghề nghiệp và tiêu chuẩn hành nghề.

Thị trường Việt Nam

Thị trường môi giới tại Việt Nam hình thành theo những “đợt sóng”. Khi những cơn sóng bất động sản đi lên nó kéo theo một đám đông hồ hởi có chung một trạng thái cảm xúc, ta tạm gọi trạng thái cảm xúc này là “sự mộng du có lý trí”. Khi những cơn sóng bất động sản đi xuống thì ta lại có một đám người dã đám, thất nghiệp đang tiếc nuối những giá trị chưa bao giờ có và ở trạng thái này họ cũng có chung một trạng thái

Hãy cùng tôi rong ruổi một chút để nhìn về quá khứ và xem lại quá trình hình thành ở thời kỳ “đương đại” này. Để xem những ai còn theo đuổi nghề môi giới có thực sự trăn trở với nghề mình đang làm hay chúng ta đi trăn trở những giá trị chúng ta chưa bao giờ có.
Quá trình bùng nổ nghề môi giới

Nghề môi giới bất động sản như trăm hoa đua nở được đánh dấu vào giai đoạn đỉnh cao của thị trường chứng khoán năm 2007. Đây là thời điểm chốt lời của cổ phiếu và giá trị được chuyển vào đất, tâm lý chung này đã làm cho thị trường nhà đất thời điểm đó lên cơn co giật. Nguồn cung dự án bất động sản thời điểm này rất khan hiếm có thể nói là đếm trên đầu ngón tay. Giá bán một số dự án còn tăng theo giờ, nhiều nhà đầu tư cũng không quản ngại khó đi săn lùng cả đất đồi núi giáp gianh Hà Nội. Chính cơn co giật của thị trường nhà đất thời điểm này đã vô tình kích thích thị trường môi giới. Đợt kích thích này mạnh đến nỗi gây ra một đợt khoái cảm khá rộng lan dọc theo trục phía tây của Thủ đô.

Thị trường nhân lực phục vụ cho việc môi giới nhà đất vì thế mà được đà xông lên mọc như nấm sau mưa. Thời kỳ này đánh dấu bước nhảy vọt về nhân lực tham gia vào lĩnh vực môi giới nhà đất. Việc tham gia thị trường thời kỳ này cũng rất dễ, yếu tố chuyên môn của nghề chưa hình thành. Giai đoạn này kỹ năng của môi giới giống với một người bán hàng tiêu dùng nhiều hơn. Qui trình là đăng tin – nghe điện thoại – mô tả thông tin bất động sản trên giấy – và giao dịch.
Kiến thức chuyên môn của nghề môi giới không được coi trọng

Rõ ràng bất động sản là một tài sản lớn, tại sao cả người mua và người tư vấn (môi giới bất động sản) lại xem nhẹ yếu tố chuyên môn của nghề. Chính vì thiếu sự định hướng của nghề nên trong quá trình hoạt động không nhiều môi giới tích lũy được những kiến thức cần phải có. Đây cũng chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc đào thải trong nghề và trẻ hóa trong nghề diễn ra rất nhanh. Đa phần môi giới tìm kiếm khách hàng thông qua câu thần chú “đăng tin rao vặt” và kỳ lạ thay nhiều người mua bất động sản cũng không thực sự quan tâm đến điều này.

Nghề môi giới và thị trường hình thành nên nó không thể bị chi phối vào “thần chú rao vặt”. Người mua bất động sản cần được tôn trọng và phải được phục vụ chuyên nghiệp bằng kỹ năng chuyên môn. Còn người môi giới cũng không thể sống bằng sự cầu may và bán mình mãi được (nhiều môi giới hiện nay đang bán mình bằng cách cắt giảm phí hoa hồng).

Theo qui luật vận động và đào thải của thị trường, thị trường môi giới sẽ hình thành nên những thương hiệu cá nhân và thương hiệu tổ chức môi giới uy tín, hiểu biết về thị trường, hiểu biết về pháp lý trong giao dịch. Chỉ những cá nhân và tổ chức hoàn thiện được điều này mới có cơ hội tồn tại. Việt Nam đang mở cửa rộng hơn nữa trong vấn đề hội nhập nên tôi nghĩ điều này là hoàn toàn tất yếu.

Và như tôi nhận thấy kiến thức chuyên môn chỉ thực được mọi người coi trọng khi xảy ra rủi ro trong giao dịch, việc này đã thực sự là một bài học cho cả nhà đầu tư, người mua và môi giới bất động sản. Vậy kiến thức chuyên môn trong nghề môi giới là những kiến thức gì?

Những kiến thức và kỹ năng căn bản cần phải có của nghề môi giới bất động sản

Kiến thức về luật pháp
Am hiểu về phân khúc thị trường bất động sản mà mình hoạt động (Kiến thức về kinh tế, Kiến thức về Marketing)
Kiến thức về tâm lý học
Kỹ năng giao tiếp
Kỹ năng đàm phán
Kỹ năng giải quyết vấn đề
Kỹ năng làm việc nhóm
Kỹ năng làm việc độc lập

Và một cam kết nữa để có thể theo đuổi được nghề là Đạo đức nghề nghiệp và tiêu chuẩn hành nghề.

Chúng ta đều thấy nghề môi giới bất động sản theo đúng nghĩa rõ ràng cần rất nhiều kiến thức và kỹ năng. Nếu kiên định đúng giá trị nghề mình theo đuổi thì theo thời gian kiến thức này sẽ được bồi đắp đủ sâu và rộng để có thể bám trụ với nghề trong bất cứ hoàn cảnh thị trường như thế nào.
Phát triển nghề môi giới bất động sản cần yếu tố gì?

Như phần 1 của chủ đề này, nghề môi giới bất động sản tại Mỹ phát triển rất thành công và đóng góp rất nhiều vào cho xã hội nhờ vào quá trình đào tạo bài bản, áp dụng thực tế và họ có một hiệp hội bất động sản theo đúng nghĩa. Đây chính là hai yếu tố tạo lên một môi trường sản sinh ra các môi giới chuyên nghiệp cho nước Mỹ. Tại Việt Nam thì sao? Chúng ta cũng hoàn toàn có thể làm được điều này khi học hỏi kinh nghiệm của họ. Và điều này nên bắt đầu từ chính các công ty đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam. Có thể cần có một số công ty đi tiên phong trong vấn đề đào tạo nghề môi giới, xây dựng qui chuẩn và tiêu chuẩn cho nghề theo tiêu chuẩn quốc tế. Vì sau ngày 1 tháng 7 năm 2015 pháp luật Việt Nam sẽ cho phép người nước ngoài đầu tư bất động sản,, mua nhà đất tại Việt Nam dễ dàng hơn rất nhiều. Mặt khác Việt Nam đang mở của về kinh tế để hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới. Việc giao lưu văn hóa, kiến thức, việc dịch chuyển lao động từ các nước phát triển sang Việt Nam là điều tất yếu. Đây nên xem là một cơ hội để nghề môi giới phát triển và học hỏi thêm kinh nghiệm từ các nước đi trước.

Để phát triển được nghề môi giới tại Việt Nam cần những trụ cột cơ bản sau, mỗi trụ cột liệt kê dưới đây là những trụ cột căn bản nhất cần được phân tích kỹ và xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế:

Bộ giáo trình kiến thức và kỹ năng chuẩn cho nghề (Tham khảo các nước phát triển)
Các công ty môi giới nên đi tiên phong trong vấn đề đào tạo và sàng lọc nhân lực
Hiệp hội môi giới bât động sản
Chứng chỉ hành nghề
Đạo đức nghề nghiệp và bộ tiêu chuẩn hành nghề

Tôi không biết bài viết của tôi có giúp ích được gì cho bạn không. Nhưng khi bạn đọc đến những dòng cuối cùng này, tôi biết bạn rất kiên nhẫn và cũng đang quan tâm đến nghề môi giới. Tôi xin chúc bạn thành công trong công việc và cuộc sống!

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *