Thống kê tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang suy yếu
GDP xét về phía tổng cầu cho thấy tăng trưởng GDP giảm do tiêu dùng dân cư giảm mạnh. Cụ thể, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,98% so với cùng kỳ năm 2015, đóng góp 5,09 điểm
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK) GDP 6 tháng đầu năm 2016 chỉ tăng 5,52%, thấp hơn mức 6,26% của cùng kỳ năm trước. Những yếu tố đáng chú ý khác là kim ngạch nhập khẩu giảm, trong khi đó tỷ lệ đầu tư toàn xã hội so với GDP lại tăng mạnh và tăng trưởng tín dụng lại cao hơn so với năm trước. Những dấu hiệu này cho thấy tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu suy yếu.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang suy yếu
Tăng trưởng GDP năm 2015 đã có bước đột phá với 6,68%, mức cao nhất kể từ năm 2008. Đặc biệt điểm đáng lưu ý là năm 2015 tăng trưởng khu vực công nghiệp đạt rất cao với mức 9,64% vượt trội so với những năm trước đó. Tưởng rằng sau khi đạt được những tăng trưởng lạc quan này kinh tế Việt Nam sẽ có những bước đột phá. Thực tế trước đây thì không ít chuyên gia đã dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2016 sẽ tiếp tục được cải thiện. Cuối năm 2015, Quốc hội cũng đã thông qua chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2016 lên đến 6,7%.
Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng kinh tế đạt được trong nửa đầu năm 2016 là khá thất vọng. GDP chỉ tăng được 5,52%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,28% của cùng kỳ năm trước, cao hơn chút ít so với mức 5,22% của cùng kỳ năm 2014. Điểm đáng lưu ý trong tăng trưởng GDP là khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,18%, trong khi đó những năm trước thường tăng 2-3%. Như vậy, việc sụt giảm trong tăng trưởng của GDP có đóng góp đáng kể từ suy giảm ngành nông nghiệp.
Mặc dù vậy, khi phân tích một cách khách quan thì có lẽ đây không phải là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng suy giảm. So sánh các lĩnh vực khác thì lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chỉ tăng được 7,12% và đóng góp được 2,41 điểm phần trăm tăng trưởng. Con số này thấp hơn nhiều so với mức lần lượt là 9,64% và 3,2 điểm phần trăm tăng trưởng của năm 2015. Lĩnh vực dịch vụ vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá tốt. Trong nửa đầu năm 2016 khu vực dịch vụ tăng 6,35%, cao hơn mức 5,9% của cùng kỳ năm trước.
Lĩnh vực nông nghiệp có mức tăng sụt giảm do Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn bởi hiện tượng bất thường của thời tiết. Cụ thể giá trị sản phẩm nông nghiệp từ trồng trọt đạt 203.317 tỷ đồng (giá năm 2010), chiếm hơn 50% tổng giá trị của ngành nông nghiệp giảm đến 3% so với cùng kỳ năm trước. Điểm đáng lưu ý nữa là giá trị của ngành thủy sản cũng chỉ tăng trưởng được 1,3%. Đây là mức khá thấp so với mức tăng gần 4% của cùng kỳ năm trước. Trong thời gian qua ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc thiếu nước ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, thảm họa cá chết ở miền Trung do việc xả thải của Formosa cũng đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành thủy sản và ngành khác.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, những tháng vừa qua có sự sụt giảm rõ rệt. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do sản lượng khai khoáng sụt giảm mạnh. Cùng kỳ năm trước tăng trưởng khai khoáng lên đến 8,2%, còn tăng trưởng khu vực Công nghiệp chế biến, chế tạo là 10%. Trong khi đó, năm nay khu vực khai khoáng giảm 2,2% còn khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,2%. Như vậy, nguyên nhân chính khiến tăng trưởng GDP khu vực công nghiệp sụt giảm là do khai khoáng giảm mạnh. Một số nhận định cho rằng năm 2015 việc khai khoáng đã được đẩy mạnh dù giá đầu thô và nhiều mặt hàng khoáng sản sụt giảm để nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang suy yếu
GDP xét về phía tổng cầu cho thấy tăng trưởng GDP giảm do tiêu dùng dân cư giảm mạnh. Cụ thể, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,98% so với cùng kỳ năm 2015, đóng góp 5,09 điểm phần trăm; tích lũy tài sản tăng 10%, đóng góp 2,65 điểm phần trăm; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ làm giảm 2,22 điểm phần trăm. Trong khi đó năm 2015, tiêu dùng cuối cùng đóng góp tới 10,66 điểm phần trăm, tích lũy tài sản đóng góp 4,64%, chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa dịch vụ giảm đến 8,62%.
Việc tiêu dùng tăng trưởng chậm lại cũng thể hiện qua tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ giảm. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm nay ước tính đạt 1.724 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 7,5%, thấp hơn mức tăng 8,8% của cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó kim ngạch nhập khẩu nửa đầu năm 2016 cũng giảm gần 2%. Điều này cho thấy rõ ràng tăng trưởng tiêu dùng trong nền kinh tế không còn được duy trì cao như trước.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang suy yếu
Liên quan tăng trưởng GDP một yếu tố khác không thể không nhắc đến là tỷ lệ đầu tư trong nền kinh tế. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội nửa đầu năm 2016 là 618 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước và và bằng 32,9% GDP. Vốn đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu ngoài nhà nước đều tăng khá mạnh với mức tăng lần lượt là 14,7% và 15,6%. Năm trước tăng trưởng vốn đầu tư đạt 9,4% và bằng 31,1% GDP. Như vậy, rõ ràng vốn đầu tư trong nền kinh trong thời gian vừa qua tăng lên khá nhiều. Điều này cũng phù hợp với việc tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm tăng 6,82% so với cuối năm 2015, cao hơn so với mức tăng 6,37% của cùng kỳ năm trước. Nhìn chung tín dụng và đầu tư được mở rộng trong thời gian qua khá nhiều nhưng chưa thực sự đi vào GDP.
Tóm lại, tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm suy yếu khá rõ rệt. Nguyên nhân chính là do tăng tưởng khu vực nông nghiệp và khai khoáng sụt giảm. Trong khi đó khu vực chế biến, chế tạo và dịch vụ vẫn duy trì được đà tăng của cùng kỳ năm trước. Việc sụt giảm của khu vực một phần do nguyên nhân khách quan liên quan đến thời tiết và thảm họa ô nhiễm môi trường từ Formosa. Đối với khai khoáng việc không duy trì được tăng trưởng cao cũng là điều tất yếu bởi giá dầu thô và nhiều khoáng sản khác sụt giảm. Ở một góc nhìn khác đối với GDP là tăng trưởng tiêu dùng sụt giảm dù vốn đầu tư và tăng trưởng tín dụng ở mức khá cao. Điều này cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế có dấu hiệu suy giảm khá rõ ràng.
Leave a Reply